Các mức độ kỹ năng có một ý nghĩa quan trọng trong việc đo lường và đánh giá kỹ năng. Lịch sử nghiên cứu Tâm lý học cho thấy trên thế giới có nhiều nghiên cứu xếp hạng mức độ kỹ năng khác nhau. Nghiên cứu đầu tiên của K.K.Platônôv và G.G.Golubev (1963) chia kỹ năng thành 5 mức độ đựa trên hoạt động thử sai và vốn kinh nghiệm. Theo V.V.Bôgxloxki (1973) có hai mức độ là kỹ năng sơ đẳng và kỹ năng thành thạo, còn theo X.I.Kixegof thì kỹ năng có hai mức độ là kỹ năng bậc thấp và kỹ năng bậc cao (dẫn theo Huỳnh Văn Sơn, 2012).
Đa phần các tác giả tại Việt Nam đều đồng tình với cách phân chia kỹ năng thành năm mức độ từ kỹ năng của tác giả V.P. Bexpalko (dẫn theo Huỳnh Văn Sơn, 2009). Tuy tên gọi các mức độ trong những đề tài có khác nhau, nhưng cơ bản 5 mức độ từ kỹ năng ban đầu đến kỹ năng đạt mức độ hoàn hảo bao gồm:
- Mức độ 1: Kỹ năng ban đầu
Chủ thể đã có kiến thức về nội dung một dạng kỹ năng nào đó, và trong những tình huống cụ thể khi cần thiết sẽ có thể tái hiện được những thao tác, hành động nhất định. Chủ thể thường chỉ thực hiện được yêu cầu của kỹ năng này dưới sự hướng dẫn. Ở mức độ này chưa đạt yêu cầu của kỹ năng.
- Mức độ 2: Kỹ năng mức thấp
Chủ thể đã có thể tự thực hiện được những thao tác, hành động cần thiết theo một trình tự đã biết. Nhưng chưa tách biệt với sự hướng dẫn chưa di chuyển được sang những tình huống mới.
- Mức độ 3: Kỹ năng trung bình
Chủ thể tự thực hiện thành thạo các thao tác đã biết trong các tình huống quen thuộc. Tuy vậy, việc di chuyển của các kỹ năng sang tình huống mới còn hạn chế.
- Mức độ 4: Kỹ năng cao
Chủ thể đã tự lựa chọn hệ thống các thao tác, các hành động cần thiết trong các tình huống khác nhau. Bên cạnh đó, chủ thể đã biết di chuyển kỹ năng trong phạm vi tình huống nhất định.
- Mức độ 5: Kỹ năng hoàn hảo
Chủ thể nắm được đầy đủ hệ thống các thao tác, hành động khác nhau, biết lựa chọn những thao tác, hành động cần thiết và ứng dụng chúng một cách thành thạo trong các tình huống khác nhau mà không gặp khó khăn gì (Nguyễn Thị Thuý Dung, 2001), (Đỗ Thị Thu Hồng, 2008) (Huỳnh Văn Sơn, 2009) (Đỗ Văn Đoạt, 2013).
Tài liệu tham khảo:
- Đỗ Thị Thu Hồng. (2008). Kĩ năng ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống của học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
- Đỗ Văn Đoạt. (2013). Kỹ năng ứng phó với stress trong hoạt động học tập theo tính chỉ của sinh viên Đại học Sư phạm. Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học. Học viện KHXH - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
- Huỳnh Văn Sơn. (2009). Nhập môn Kỹ năng sống. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Sư phạm.
- Nguyễn Thị Thuý Dung. (2001). Kĩ năng giải quyết tình huống quản lý của học viên các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng tiểu học. Hà Nội: Luận án Tiến sĩ Tâm lý học.