Trần Văn Toản

Bản chất chánh niệm là gì? - So sánh với khái niệm

Sống trong một thế giới khoa học đầy khái niệm, một thứ gì đó ta gọi tên thì nó tồn tại, nhưng nếu không gọi tên nó có tồn tại không? không cần gọi tên nó có tồn tại không?


Và cũng không ít những khái niệm như thế bị từ chối bởi không diễn tả đúng hoặc đầy đủ các hiện tượng.

Trước khi đọc tiếp hãy thống nhất với tôi rằng: "Chúng ta không nói về khoa học, không lý luận. Hãy xem xét mọi vật là chính nó, chứ không phải khái niệm về nó".

So sánh Chánh niệm và Khái niệm

Nếu xem xét chánh niệm và khái niệm theo cách mà nó hình thành, tồn tại và phát triển chúng ta rất dễ phân biệt được chúng:

1. Khái niệm tồn tại dưới dạng ngôn ngữ (nói hoặc viết) để phản ánh những thuộc tính, bản chất của các đối tượng sự vật và mối liên hệ giữa chúng. Còn chánh niệm tồn tại dưới dạng ý niệm (tiền phản ánh) không phải ngôn ngữ (cũng không phải độc thoại nội tâm)

Ví dụ: Chúng ta gán các nuclêôtit của gen thành 4 loại A-T G-X. Chúng ta học và thao tác dựa trên 4 ký tự đó, nhưng gen không tồn tại trong cơ thể ta dưới dạng chữ cái (ngôn ngữ) mà là chất (cái chánh).

2. Khái niệm được hình thành cùng với ngôn ngữ và giao tiếp khi con người cố gắng tìm cách để truyền các ý niệm (của chánh niệm) từ người này sang người khác đồng thời lưu trữ chúng.

Ví dụ: Một ý niệm X xuất hiện khi ta chạm vào nước ở 100°C. Lúc đó các khái niệm "nước sôi", "nóng", "bỏng" được dùng để cố gắng diễn tả ý niệm X cho người khác hoặc tự lưu trữ vào kinh nghiệm.

Điều đó có nghĩa là khi ta nói về "cảm xúc buồn" với ai khác, người được nghe sẽ đối chiếu với khái niệm "buồn" trong kinh nghiệm của họ rồi tái hiện lại ý niệm về nó. Đó là sự đồng cảm.

3. Đáng chú ý là khái niệm phụ thuộc vào kinh nghiệm của người tiếp nhận, còn chánh niệm thì không. Ở khía cạnh khác, chánh niệm không có cách để truyền tải một cách chính xác từ người này sang người khác.

Ví dụ: Mọi người có thể gật gù khi nghe bạn nói về "cảm giác hạnh phúc" nhưng thật sự mỗi người được nghe điều liên hệ với những ý niệm khác nhau. Vì chánh niệm về nó chỉ có bạn mới thật sự cảm nhận chính xác.

4. Khái niệm và ngôn ngữ không diễn tả chính xác và đầy đủ các sản phẩm của chánh niệm. Chánh niệm chỉ tồn tại ngay lúc trải nghiệm, tại lúc cảm nhận và lúc mới có những ý niệm ban đầu về sự vật hiện tượng.

Ví dụ: Có một trò chơi bảo người chơi đưa tay vào một cái hộp màu đen. Chánh niệm chỉ xuất hiện trong lúc người chơi đưa tay vào hộp và cảm nhận những kích thích từ cảm giác. Nhưng ngay khi người chơi bắt đầu tìm cách gọi tên (thành lời, hoặc chỉ suy nghĩ) cảm nhận của họ thì khái niệm bắt đầu xuất hiện.

Sự nhầm lẫn đáng buồn

Thực tế là, đa số chúng ta hoạt động trơn tru trong mối quan hệ giữa chánh niệm và khái niệm (có thể hiểu là từ nhận thức đến giao tiếp). Nhưng cũng không ít những người hoặc những hoàn cảnh chúng ta khước từ chánh niệm, loại bỏ và nhận diện sai các ý niệm. Dù vô tình hay cố ý, điều đó sẽ ít nhiều gây hại cho "chính ta", đúng là ý niệm về chính ta.

Có thể ví dụ, bạn uống rượu bia, dạ dày bạn đang loét và nó bắt đầu các triệu chứng để bạn biết rằng nó có vấn đề, và yêu cầu hãy thôi làm cơ thể tổn thương. Bạn sẽ dùng khái niệm về loét dạ dày, hàng loạt các chuẩn đoán và cách điều trị xuất hiện, nhưng rõ ràng nó không phải là cách mà cơ thể bạn cần. Chính xác là cơ thể bạn được tạo hoá ban tặng khả năng tự chữa lành, nhưng nó không có khả năng ngăn bạn tự hủy hoại.



Tóm lại, bất kỳ lúc nào nếu không cần phải truyền tải hoặc giao tiếp. Hãy cảm nhận mọi thứ xung quanh bạn như là chính nó. Cảm nhận thân thể bạn như bản thân. Đừng mãi miết tìm kiếm các khái niệm để định nghĩa chúng, không cần thiết.

Thế giới của các khái niệm dù phong phú, đa dạng nhưng cũng không thể nhiều và thú vị bằng thế giới thực tại, chính nó và ngay bây giờ.

Chia sẻ: Facebook Twitter Lấy mã QR




Tải CV của Toản