Trần Văn Toản

Cơ sở lý luận về Kĩ năng (trích dẫn APA)

Trong cuộc tranh luận về quan điểm tiếp cận kĩ năng, xem xét kĩ năng không chỉ đơn thuần là kỹ thuật thao tác mà còn là biểu hiện về năng lực của con người trong mối quan hệ với mục đích, phương tiện và cách thức tiến hành hành động đón nhận sự ủng hộ đông đảo của các nhà Tâm lý học Việt Nam.

Theo tác giả Huỳnh Văn Sơn (2009) cho rằng “Kĩ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép” (Sơn, 2012).


Tác giả Nguyễn Văn Đồng (2010), cho rằng “Kĩ năng là năng lực vận dụng những tri thức đã được lĩnh hội để thực hiện có hiệu quả một hoạt động tương ứng trong những điều kiện cụ thể”.

Thực trạng nghiên cứu đều cho thấy các tác giả khác ủng hộ quan điểm này đều cho rằng, để hình thành một kĩ năng phải gồm cả hai yếu tố:

- Thứ nhất, là những tri thức, hiểu biết của con người về hành động, hoạt động. Để con người có thể hành động, trước hết họ phải hiểu về mục đích, phương thức và điều kiện diễn ra hành động đó để có những phương án thực hiện một cách hiệu quả, phù hợp. Đây là mô hình tâm lý trước khi hành động.

- Thứ hai, là kỹ thuật về thao tác. Mỗi hành động, hoạt động trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi những thao tác khác nhau. Do vậy, để thực hiện những hành động một cách hiệu quả thì con người phải nắm chắc mặt kỹ thuật thao tác trong từng bối cảnh cụ thể. (Giao, 2001) (Linh, 2014) (Dũng, 2000).

Khái niệm kỹ năng: 

"Kĩ năng là khả năng vận dụng những kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả một hoạt động nào đó trong một điều kiện nhất định."

Quá trình hình thành kĩ năng

Theo Tâm lý học hoạt động, kĩ năng chính là đặc điểm của hoạt động và có quan hệ với động cơ, mục đích, thao tác, phương tiện và hành động trong cấu trúc hoạt động của con người. Khi nghiên cứu về quá trình hình thành kĩ năng, phải tiếp cận dựa trên quá trình hoạt động và gắn liền với sự phát triển của hoạt động. Vì vậy, tác giả khoá luận đồng tình với quan điểm của tác giả Vũ Dũng (2012), cho rằng kĩ năng hình thành qua ba giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Là một quá trình nỗi lực, bắt đầu bằng sự phát hiện mối liên hệ trong các thành tố của hành động (động cơ, mục đích, thao tác, phương tiện) và trình tự thực hiện chúng. Chủ thể lặp lại hành động nhiều lần và tích luỹ vào kinh nghiệm bản chất của hành động. Kinh nghiệm này đã bao gồm khả năng thích ứng hành động trong nhiều điều kiện.

- Giai đoạn 2: Trong quá trình lặp đi lặp lại, một phần hoặc hoàn toàn của hành động bắt đầu thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức.

- Giai đoạn 3: Hành động được ổn định, bền vững, khó phá huỷ trong nhiều tình huống và dần được định khuôn nhờ lặp đi lặp lại nhiều lần (Dũng, 2000).

Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là biến hành động thành các kĩ năng (đối với các hành động phức tạp), kĩ xảo (đối với các hành động đơn giản). Và các kĩ năng này thành phương tiện hay khả năng để thực hiện các hành động trong hoạt động.

Các mức độ kĩ năng

Các mức độ kĩ năng có một ý nghĩa quan trọng trong việc đo lường và đánh giá kĩ năng. Lịch sử nghiên cứu Tâm lý học cho thấy trên thế giới có nhiều nghiên cứu xếp hạng mức độ kĩ năng khác nhau. Nghiên cứu đầu tiên của K.K.Platônôv và G.G.Golubev (1963) chia kĩ năng thành 5 mức độ đựa trên hoạt động thử sai và vốn kinh nghiệm. Theo V.V.Bôgxloxki (1973) có hai mức độ là kĩ năng sơ đẳng và kĩ năng thành thạo, còn theo X.I.Kixegof thì kĩ năng có hai mức độ là kĩ năng bậc thấp và kĩ năng bậc cao (Sơn, 2012)

Đa phần các tác giả tại Việt Nam đều đồng tình với cách phân chia kĩ năng thành năm mức độ từ kĩ năng ban đầu đến kĩ năng đạt mức độ hoàn hảo theo V.P. Bexpalko, bao gồm: 

- Mức độ 1: Kĩ năng ban đầu

Chủ thể đã có kiến thức về nội dung một dạng kĩ năng nào đó, và trong những tình huống cụ thể khi cần thiết sẽ có thể tái hiện được những thao tác, hành động nhất định. Chủ thể thường chỉ thực hiện được yêu cầu của kĩ năng này dưới sự hướng dẫn. Ở mức độ này chưa đạt yêu cầu của kĩ năng.

- Mức độ 2: Kĩ năng mức thấp

Chủ thể đã có thể tự thực hiện được những thao tác, hành động cần thiết theo một trình tự đã biết. Nhưng chưa tách biệt với sự hướng dẫn chưa di chuyển được sang những tình huống mới.

- Mức độ 3: Kĩ năng trung bình

Chủ thể tự thực hiện thành thạo các thao tác đã biết trong các tình huống quen thuộc. Tuy vậy, việc di chuyển của các kĩ năng sang tình huống mới còn hạn chế.

- Mức độ 4: Kĩ năng cao

Chủ thể đã tự lựa chọn hệ thống các thao tác, các hành động cần thiết trong các tình huống khác nhau. Bên cạnh đó, chủ thể đã biết di chuyển kĩ năng trong phạm vi tình huống nhất định.

- Mức độ 5: Kĩ năng hoàn hảo

Chủ thể nắm được đầy đủ hệ thống các thao tác, hành động khác nhau, biết lựa chọn những thao tác, hành động cần thiết và ứng dụng chúng một cách thành thạo trong các tình huống khác nhau mà không gặp khó khăn gì (Sơn, 2009) (Quân, 2010) (Hà, 2012)

Đặc điểm của kĩ năng

Khi xét trên tiêu chí về mức độ tham gia của ý thức và mức độ thuần thục của thao tác thì kỹ năng có những đặc điểm riêng biệt sau đây:

- Trong kỹ năng, ý thức đóng vai trò tích cực và thường trực. Trong quá trình thực hiện một hành động, chủ thể thực hiện một kỹ năng nào đó thì chính chủ thể luôn sử dụng ý thức để nhận biết được các thao tác và hành động cụ thể.

- Khi thực hiện kỹ năng, chủ thể phải sử dụng các loại tri giác khác nhau để kiểm tra các thao tác thực hiện.

- Trong kỹ năng, tuỳ vào từng mức độ kỹ năng của mỗi chủ thể mà các thao tác được thực hiện đầy đủ, chính xác đến mức độ nào. Tuy nhiên, khi thực hiện kỹ năng, thường những động tác thừa, động tác phụ chưa được loại trừ.

- Trong kỹ năng, có sự thống nhất giữa tính ổn định và tính linh hoạt: Nghĩa là kỹ năng không nhất thiết gắn liền với một đối tượng nhất định, mà trong trường hợp kỹ năng ở mức độ cao thì chủ thể có khả năng di chuyển linh hoạt và dễ dàng sang đối tượng mới. 


TÀI LIỆU ĐƯỢC TRÍCH DẪN 

Trần Thu Hà (2012). Thực trạng kỹ năng giao tiếp của giáo viên mầm non. Luận văn Thạc sĩ, ĐH Sư phạm TP.HCM.
Bùi Hồng Quân (2010). Kỹ năng tự đánh giá của thiếu niên đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ.
Huỳnh Văn Sơn (2009). Nhập môn kĩ năng sống. NXB Giáo dục.
Huỳnh Văn Sơn (2012). Phát triển Kỹ năng mềm cho Sinh viên Sư phạm. NXB Giáo dục.



Chia sẻ: Facebook Twitter Lấy mã QR




Tải CV của Toản